Hai bố con ông Nguyễn Lâm Sáu trình đơn kiến nghị
(ĐCSVN) - Ngày 28-7-2008, trong mục “Điều tra theo đơn thư bạn đọc” Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng bài viết: “Tỉnh Đăk Lăk: Cần phục hồi nhân phẩm và trả lại quyền lợi chính đáng cho ông Nguyễn Lâm Sáu”.
tại phòng Bạn đọc của Báo
Ông Nguyễn Lâm Sáu, 73 tuổi, nguyên là cán bộ của Lâm trường Ea Kao, tỉnh Đăk Lăk, hiện ở số nhà 44 Nguyễn Thị Định, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, là người đã có đơn gửi Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, kiến nghị vụ việc sai trái đối với ông kéo dài đã 28 năm (đến thời điểm đó), và đến nay đã 32 năm, tuy nhiên vẫn chưa được tỉnh Đăk Lăk giải quyết dứt điểm. Vì vậy, hiện nay, ông vẫn tiếp tục gửi đơn kiến nghị đi các cấp, ngành chức năng. Vừa qua, ông lại đưa đơn kiến nghị đến Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị được giúp đỡ để địa phương thực hiện việc phục hồi nhân phẩm và trả lại quyền lợi chính đáng cho ông.
Là một công chức Nhà nước, năm 1977, ông Nguyễn Lâm Sáu về làm việc tại Nông trường Ea Kao (Đăk Lăk). Thời gian này, ông đã làm đơn tố cáo một số cán bộ của nông trường lợi dụng chức quyền, tham nhũng. Nhận được đơn của ông, Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắc Lắc đã về nông trường để kiểm tra. Bản kết luận thanh tra nông trường Ea Kao số 97 ngày 4/6/1985 của Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắc Lắc đã khẳng định: “Công tác quản lý đất đai, thiết bị xe máy, vườn cây, sản phẩm…đã có nhiều sai phạm về nguyên tắc, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản xã hội chủ nghĩa…”. Tuy nhiên, những kiến nghị của đoàn thanh tra về xử lý các sai phạm trên chưa kịp thực hiện thì một số người có chức, có quyền ở nông trường đã trả thù, trù dập người khiếu tố.
Ông Nguyễn Lâm Sáu bị thuyên chuyển công tác bất hợp lý, bị nông trường cắt lương, cắt gạo; gia đình ông cũng phải gánh chịu nhiều bất công. Và ngày 14/11/1985, mặc dù không hề có chứng cớ xác đáng, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk vẫn tiến hành bắt giam ông. Cho đến ngày 21/11/1985, ông Sáu được tạm tha, nhưng vẫn phải chịu nhiều đau khổ về tinh thần và vật chất. Cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn đối với gia đình ông...
Suốt trên 30 năm qua, ông Sáu đã bền bỉ lên đường, đi gõ cửa khắp nơi để khiếu kiện. Ông đã viết tới vài trăm lá đơn kiến nghị, thư khiếu nại gửi tới các cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương. Đã có tới 17 văn bản của Trung ương Đảng, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước, Bộ Nội vụ, Tổng cục Cảnh sát … chuyển vụ việc đến Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết. Có 10 văn bản của UBND tỉnh Đăk Lăk giao cho các ban, ngành trong tỉnh giải quyết vụ việc…
Ngày 31/10/2006, Công an tỉnh Đăk Lăk đã mời ông Nguyễn Lâm Sáu lên trụ sở để nghe ông trình bày cặn kẽ sự việc, yêu cầu được giải oan và bồi thường các thiệt hại. Phó Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk, thượng tá Nguyễn Văn Định đã thay mặt Công an tỉnh xin lỗi gia đình ông, hứa sẽ kiến nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp đáp ứng những yêu cầu chính đáng của ông. Ngày 16/1/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư đã nghe ông Sáu kiến nghị, cũng thay mặt chính quyền địa phương khẳng định, tỉnh sẽ giải quyết thỏa đáng vụ việc. Sau đó ngày 29/8/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã ký Công văn số 2547 “Về việc xử lý đơn của ông Nguyên Lâm Sáu”, yêu cầu: Chánh thanh tra tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh xem xét những nội dung khiếu nại của ông để xử lý theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/9/2007.
Ngày 10/7/2008, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công văn số 4519/VPCP-KNTN, gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về việc giải quyết khiếu nại của ông Sáu. Công văn nhấn mạnh: “Về vụ việc này, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có ý kiến chỉ đạo: Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk khẩn trương kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Lâm Sáu theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Rất nhiều tờ báo trong nước cũng đã có bài viết phản ánh về vụ việc oan sai của ông, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk giải quyết dứt điểm vụ việc.
Mặc dù đã có những kết quả trên, nhưng mọi việc cho đến tận hôm nay vẫn cứ rơi vào sự “im lặng đáng sợ”. Mới đây, trong lá đơn ông Sáu gửi Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 7-8-2012, ông viết: “Vụ khiếu kiện oan sai của tôi đã kéo dài tới 32 năm. Tôi năm nay đã 73 tuổi, nhưng các cơ quan chức năng địa phương vẫn thờ ơ, không có biện pháp xử lý nhằm phục hồi nhân phẩm và trả lại quyền lợi chính đáng cho gia đình tôi, làm cho chúng tôi vô cùng khó khăn trong cuộc sống…”.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk không để vụ việc kéo quá dài, kịp thời có những giải pháp hợp tình hợp lý, trả lại danh dự của công dân./.